Di sản Amenhotep I

Amenhotep đã được phong thần sau khi ông qua đời và trở thành vị thần bảo trợ cho ngôi làng mà ông sáng lập nên tại Deir el-Medina.[7] Người mẹ của ông cũng đã được phong thần sau khi bà mất và trở thành một phần trong kinh cầu nguyện của ông.[4] Như đã đề cập trước đây, phần lớn các bức tượng được tạc của Amenhotep có cùng hình thức với các bức tượng thần thờ cúng của tôn giáo này trong giai đoạn sau. Khi được thờ phụng, ông đã có ba hiện thân thần thánh: "Amenhotep của ngôi làng", "Amenhotep tình yêu của Amun," và "Amenhotep của sân ngoài", và được biết đến như một vị thần có những lời sấm truyền.[7] Ông cũng đã có một số ngày lễ dành riêng cho mình mà đã được tổ chức trong suốt cả năm.[7] Trong tháng đầu tiên, một lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh sự xuất hiện của Amenhotep về lại nghĩa địa của những người thợ, mà có lẽ có nghĩa là bức tượng thần của ông được đưa đến Deir el-Medina.[38] Một ngày lễ khác được tổ chức vào ngày thứ ba mươi của tháng thứ tư, và sau đó thêm hai lần nữa được tổ chức trong tháng bảy.[38] Ngày lễ đầu tiên là có lẽ là kỷ niệm ngày mất của ông.[38] Ngày lễ thứ hai được tổ chức trong bốn ngày vào cuối tháng này được gọi là "ngày hội lớn của vua Amenhotep chúa tể của ngôi làng." Sau này trong lịch sử Ai Cập, tháng bảy đã được đặt tên theo tên của lễ hội này, "Phamenoth." [38] Một lễ hội khác được tổ chức vào ngày 27 tháng chín, và một lễ hội cuối cùng được biết đến tổ chức trong nhiều ngày ít nhất từ mười một tới mười ba ngày của tháng mười một, mà có thể là kỷ niệm ngày Amenhotep lên ngôi.[38]